

Ngày Thế giới Rửa tay với Xà phòng (Global Handwashing Day) 15/10
- trienkhaiweb
- Tháng 2 28, 2025
- 0 Comments
Để nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng vào năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 15 tháng 10 hàng năm là ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng” (Global Handwashing Day).
Tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng

Đối với sức khỏe
Khi tay bị nhiễm vi khuẩn và virus, các tác nhân gây bệnh này có thể xâm nhập vào cơ thể hoặc truyền từ người này sang người khác để gây bệnh. Rửa tay bằng xà phòng có tác dụng loại bỏ vi khuẩn và virus trước khi chúng xâm nhập. Kết quả nghiên cứu của giới y học cho thấy rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm tới gần 50% trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…
Đối với dinh dưỡng
Nếu vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây bệnh trên tay của một người xâm nhập vào miệng, chúng có thể di chuyển xuống ruột. Tại đó, chúng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ và sử dụng chất dinh dưỡng từ thực phẩm của cơ thể, tiêu thụ chất dinh dưỡng trước khi cơ thể có thể sử dụng dẫn tới suy dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng 50% các trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng là do tiêu chảy và nhiễm trùng đường ruột tái phát do điều kiện vệ sinh kém hoặc thiếu nước sạch. Rửa tay bằng xà phòng là yếu tố quyết định quan trọng để đạt được và duy trì chế độ dinh dưỡng tốt. Hành vi lành mạnh này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, còi cọc, suy dinh dưỡng và tử vong.
Đối với giáo dục
Việc thực hiện các biện pháp vệ sinh không đầy đủ có thể dẫn đến tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác góp phần gây ra tình trạng còi cọc. Tình trạng còi cọc cản trở sự phát triển nhận thức của trẻ, khiến trẻ em tụt hậu so với các bạn cùng lứa. Thực hành vệ sinh tốt giúp đảm bảo trẻ em khỏe mạnh, để chúng có thể đến lớp và học tập.
Các bước rửa tay với xà phòng, nước rửa tay đúng cách
Nhằm giúp người dân nâng cao sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách rửa tay với 6 bước.
- Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch. Bơm từ 3 đến 5ml dung dịch nước rửa tay hoặc chà bánh xà phòng vào lòng bàn tay, sau đó chà hai lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Chà ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa lại tay bằng nước sạch và lau khô.
Lưu ý: Mỗi động tác chà tay phía trên phải thực hiện ít nhất 5 lần.
Đang được quan tâm
Phụ huynh: Tôi sẽ nổi điên nếu con phải đọc văn có cảnh sex trần trụi


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020-2025


Cùng chuyên mục
Đổi mới cách tiếp cận truyền thông sức khỏe sinh sản vị thành niên


Liên hệ chương trình: Công ty TNHH Truyền thông UNICOM
Địa chỉ: Tầng 4. Toà nhà An Bình, số 3, Trần Nguyên Đán, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 024 3640 0671
Email: suckhoehocduong.info@gmail.com