

Bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa hè nắng nóng
- trienkhaiweb
- Tháng 4 11, 2025
- 0 Comments
Thời tiết nắng nóng kéo dài với nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, say nắng, say nóng và các vấn đề về da ở trẻ em.
Để giúp trẻ em khỏe mạnh vượt qua mùa hè oi bức, BSCKII. Trương Thị Ngọc Phú – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) đưa ra những khuyến cáo quan trọng dành cho các bậc phụ huynh.
Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát triển
Xây dựng thói quen vệ sinh tốt cho trẻ
Một trong những biện pháp hàng đầu để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm là tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân đúng cách. Hãy hướng dẫn con rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi chơi đùa. Đồng thời, nhắc nhở trẻ hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và virus gây bệnh.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặc biệt chú trọng trong mùa hè. Phụ huynh cần cẩn thận trong khâu chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống cho trẻ. Lưu ý đến thời gian lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ phòng và lựa chọn những địa điểm ăn uống uy tín, đảm bảo vệ sinh nếu cho trẻ ăn ngoài. Điều này giúp phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ trong thời tiết nắng nóng.
Tạo môi trường sống trong lành, an toàn
Môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Hãy đảm bảo không gian sống của gia đình luôn thông thoáng, sạch sẽ bằng cách thường xuyên dọn dẹp, loại bỏ những nơi nước đọng – nơi trú ngụ của muỗi và các loại côn trùng gây bệnh. Việc giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà cũng góp phần hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Tăng cường bổ sung lượng nước cần thiết
Trong những ngày nắng nóng, cơ thể trẻ dễ bị mất nước do đổ mồ hôi nhiều. Vì vậy, việc tăng cường lượng dịch uống hàng ngày là vô cùng quan trọng. Bên cạnh nước lọc, phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống các loại nước ép trái cây tươi, nước cam, nước dừa… Đây là những nguồn cung cấp khoáng chất và vitamin dồi dào, giúp cơ thể trẻ duy trì sự cân bằng điện giải và tăng cường sức đề kháng.
Hạn chế thời gian tiếp xúc với nắng nóng
Việc vui chơi quá lâu dưới trời nắng gắt không chỉ khiến trẻ dễ bị mất nước, suy kiệt mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da và say nắng, say nóng. Nếu trẻ cần hoạt động ngoài trời, hãy hướng dẫn con che chắn cẩn thận bằng mũ, áo dài tay và lựa chọn những nơi có bóng râm. Tránh cho trẻ hoạt động vào khung giờ cao điểm của nắng nóng và tia cực tím (từ 10h đến 14h) và giới hạn thời gian vui chơi ngoài trời không quá 60 phút mỗi ngày.
Tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng là một biện pháp chủ động và hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ trẻ tốt hơn trong mùa nắng nóng.
Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, việc theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ cũng rất quan trọng. Bác sĩ Phú lưu ý phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sau:
- Trẻ không tỉnh táo, lừ đừ.
- Không uống được, bỏ bú.
- Mất nước diễn tiến nặng: không có nước tiểu trong vòng 6 – 8 giờ, khóc không có nước mắt, da/môi khô, mắt trũng.
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày không giảm; tiêu chảy kèm theo sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu.
- Bất kỳ dấu hiệu nào khác khiến phụ huynh cảm thấy lo lắng.
Việc trang bị kiến thức và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp các bậc phụ huynh bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con em mình trong mùa nắng nóng, để trẻ có một mùa hè vui khỏe và an toàn.
Lan San
Đang được quan tâm
Phụ huynh: Tôi sẽ nổi điên nếu con phải đọc văn có cảnh sex trần trụi


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020 – 2025


Cùng chuyên mục
Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong cơ sở mầm non


