

Bị bắt nạt ở trường, làm sao để con tin tưởng chia sẻ với bố mẹ?
- trienkhaiweb
- Tháng 4 22, 2025
- 0 Comments
Không ít phụ huynh bàng hoàng khi biết con mình bị bắt nạt ở trường — nhưng điều khiến họ đau lòng hơn cả, là con đã chịu đựng trong im lặng suốt một thời gian dài. Trong thế giới nhỏ bé của trẻ, để chia sẻ nỗi đau không phải điều dễ dàng. Làm sao để bố mẹ trở thành nơi an toàn nhất, nơi con dám tin tưởng và mở lòng khi bị tổn thương?
Hình ảnh bắt nạt học đường khiến ai cũng phải xót xa, bàng hoàng
Ngày 12/4, nhóm nữ sinh từ trường THCS ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát) và Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có hành vi bạo lực bạn học. Theo clip ghi lại, một nữ sinh (mặc bộ đồ màu trắng) liên tục đánh, đạp, thậm chí cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu một nữ sinh khác. Clip còn cho thấy, một nữ sinh khác (mặc áo đỏ) cùng tham gia đánh.

Khi nạn nhân nằm ra đường, không thể phản kháng, nhóm nữ sinh này vẫn không buông tha, dùng tay túm đầu, đạp chân liên tiếp vào đầu bạn. Khi xảy ra vụ việc, nhiều học sinh đứng xem, quay lại clip nhưng không can ngăn.
Những dấu hiệu khi trẻ bị bắt nạt phụ huynh có thể nhận biết
Khi không chắc liệu con mình có bị bắt nạt hay không, bố mẹ có thể chú ý các dấu hiệu:
- Dấu hiệu vật lý như vết bầm tím không rõ nguyên nhân, vết trầy xước, gãy xương và vết thương đang lành
- Sợ đi học hoặc tham gia các sự kiện của trường
- Trạng thái lo lắng, căng thẳng hoặc rất cảnh giác
- Có ít bạn bè trong trường hoặc ngoài trường
- Mất bạn bè đột ngột hoặc trốn tránh các tình huống xã hội
- Quần áo, đồ điện tử hoặc đồ dùng cá nhân khác bị mất hoặc bị phá hủy
- Thường xin tiền
- Học lực thấp
- Nghỉ học hoặc gọi điện cho cha mẹ từ trường yêu cầu đón con về nhà
- Cố gắng ở gần người lớn
- Ngủ không ngon và có thể gặp ác mộng
- Than phiền về nhức đầu, đau dạ dày hoặc các bệnh thể chất khác
- Thường xuyên đau khổ sau khi dành thời gian trực tuyến hoặc trên điện thoại của họ (mà không có lời giải thích hợp lý)
- Trở nên bí mật một cách bất thường, đặc biệt là khi nói đến các hoạt động trực tuyến
- Gây hấn hoặc bộc phát tức giận
Trẻ bị bắt nạt ở trường, làm sao để con tin tưởng chia sẻ với bố mẹ?
Tạo một không gian chia sẻ an toàn
Để con đủ tin tưởng và cởi mở, cha mẹ cần tạo ra một môi trường an toàn về mặt cảm xúc, nơi con cảm thấy được lắng nghe và chia sẻ. Bố mẹ có thể trò chuyện cùng con lúc đi dạo, ăn tối, hoặc trước giờ đi ngủ. Lưu ý không mở điện thoại, không bị phân tâm — để con thấy mình là ưu tiên của bố mẹ. Đôi khi, việc viết nhật ký, vẽ tranh hoặc chơi đóng vai cũng giúp con giải tỏa những điều khó nói bằng lời.

Lắng nghe mà không phán xét
Một trong những lý do khiến trẻ không chia sẻ là vì sợ bị trách mắng hoặc đánh giá. Khi con bắt đầu kể chuyện, bố mẹ hãy giữ thái độ bình tĩnh, không ngắt lời trẻ; tránh các câu như: “Sao không đánh lại?”, “Tại con nhút nhát quá!”…Hãy nói với trẻ rằng: “Mẹ hiểu hôm nay con đã rất buồn”, “Con làm đúng khi nói với mẹ chuyện này”.
Hàng ngày, bố mẹ cũng nên dành ít nhất 10–15 phút để trò chuyện với con, hỏi con về trường lớp một cách nhẹ nhàng, không ép buộc. Sự hiện diện đều đặn giúp con cảm thấy an toàn khi mở lòng.
Đặt niềm tin và trao quyền cho con
Khi biết con bị bắt nạt, phản ứng đầu tiên của bố mẹ thường là can thiệp ngay. Nhưng nếu hành động quá nhanh mà không hỏi ý con, trẻ có thể cảm thấy mất kiểm soát và càng khép mình lại. Hãy hỏi trẻ rằng: “Con muốn mẹ giúp gì?”, “Con nghĩ mình nên làm gì tiếp theo?” Sau đó cùng con đồng hành và hỗ trợ, thay vì “xử lý thay”.
Trở thành tấm gương về sự thấu cảm
Trẻ học cách giao tiếp và ứng xử từ chính bố mẹ. Nếu phụ huynh thường xuyên thể hiện sự đồng cảm, tử tế, con sẽ cảm thấy an toàn để thể hiện điều tương tự. Ngược lại, nếu cha mẹ hay la mắng, chỉ trích hoặc ít khi lắng nghe, con sẽ thu mình lại.
Không ai mong con mình trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, nhưng nếu điều đó xảy ra, lòng tin và sự đồng hành của cha mẹ với trẻ là vô cùng quan trọng. Khi trẻ cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và lắng nghe, con sẽ dần mở lòng, sẵn sàng chia sẻ cả những điều khiến con đau lòng nhất. Hãy bắt đầu từ hôm nay — một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng mỗi tối, một cái ôm an ủi đúng lúc, hay đơn giản là ánh mắt quan tâm đủ để con biết rằng: “Dù có chuyện gì xảy ra, bố mẹ luôn ở đây và sẵn sàng lắng nghe con.”
Thu Hương
Đang được quan tâm
Phụ huynh: Tôi sẽ nổi điên nếu con phải đọc văn có cảnh sex trần trụi


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020 – 2025


Cùng chuyên mục
Nhận diện dòng chảy xa bờ: Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đuối nước ngay từ bờ biển


Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú


Dấu hiệu để phụ huynh nhận biết khi con bị bạo lực học đường


