

Hồi chuông cảnh báo về tác hại của nghiện game và internet
- trienkhaiweb
- Tháng 4 5, 2025
- 0 Comments
Theo ThS. Nguyễn Viết Hiền, vụ việc nam sinh 16 tuổi sát hại bà nội và phóng hỏa đốt nhà để che giấu tội đã gây rúng động dư luận và gióng một hồi chuông cảnh báo về những tác hại tiềm ẩn từ nghiện game và môi trường mạng.
Vụ việc gây rúng động dư luận
Mới đây , Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Chu Thanh Tú (16 tuổi, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) và Lê Gia Bảo (15 tuổi, trú tại Tây Ninh) để điều tra về hành vi giết người.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Tú sống cùng bà nội là bà Nguyễn Thị Lam (73 tuổi) tại thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu. Do thường xuyên bị bà trách mắng vì ham chơi, không chịu khó học tập, nhiều lần đi chơi khuya nên Tú đã nảy sinh ý định giết bà nội. Tú đã liên hệ với Bảo (là bạn quen biết qua quá trình chơi game trên mạng) và thỏa thuận để Bảo thực hiện hành vi sát hại với giá 5 triệu đồng, đồng thời lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho Bảo khi đến Hưng Yên để cùng giết bà Lam.
Hai đối tượng cùng tang vật vụ án cháu sát hại bà nội ở Hưng Yên gây rúng động dư luận. Ảnh: Công an tỉnh Hưng Yên
Khoảng 3h30 ngày 19/3, Bảo đến gần nhà bà Lam và được Tú chia cho một con dao, đồng thời cùng Tú tạo tiếng động nhằm dụ bà Lam xuống bếp kiểm tra. Khi bà xuất hiện, Bảo ra tay tấn công. Sau khi thấy bà bất tỉnh, Tú lục túi quần lấy 180.000 đồng rồi cùng Bảo kéo nạn nhân ra ao trong khuôn viên nhà để phi tang. Hậu quả khiến bà Lam tử vong.
Sau khi gây án, hai đối tượng lau chùi vết máu tại khu vực bếp. Bảo sau đó lấy xe máy của bà Lam rời khỏi hiện trường, trong khi Tú ở lại, châm lửa đốt bếp và một phần ngôi nhà nhằm xóa dấu vết. Quá trình dập lửa, người dân và lực lượng chức năng phát hiện thi thể bà Lam với nhiều vết thương nghi vấn, có dấu hiệu của một vụ án mạng.
Được biết, nam sinh này nghiện game, sống cùng bà nội, có bố đang làm việc tại nước ngoài. Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Ở địa phương, Tú vẫn bình thường, không có biểu hiện nghịch ngợm nhưng chỉ nghiện game…”.
Làm gì để ngăn chặn nguy cơ trẻ sa vào nghiện game và các hành vi bạo lực?
Sau sự việc đau lòng này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS. Nguyễn Viết Hiền – giảng viên Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vụ việc nam sinh 16 tuổi sát hại bà nội và phóng hỏa đốt nhà để che giấu tội đã gây rúng động dư luận và gióng một hồi chuông cảnh báo về những tác hại tiềm ẩn từ nghiện game và môi trường mạng. Sự việc càng đáng lo ngại hơn khi nghi phạm chính – Tú là một học sinh không được đánh giá hạnh kiểm xấu hay có biểu hiện về hành vi và chuẩn mực đạo đức lệch chuẩn trong thời gian trước đó. Bảo (15 tuổi) cũng chỉ là một người quen qua game.
Theo ThS. Nguyễn Viết Hiền, nghiện game không chỉ là vấn đề giải trí quá mức mà có thể đồng nghĩa với rối loạn kiểm soát hành vi, rối loạn cơ chế thần kinh và đồng thời gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Trẻ nghiện game thường suy giảm kỹ năng đồng cảm, dẫn đến hành vi vô cảm và các quyết định bốc đồng, thiếu kiểm soát. Tú bỏ ra 5 triệu đồng “thuê” Bảo giết bà nội – người đã nuôi nấng em, một quyết định lạnh lùng đáng sợ.
“Trò chơi điện tử, đặc biệt là game bạo lực, có thể tác động tiêu cực đến người chơi ở nhiều khía cạnh: Chơi game quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, cáu gắt và mất kiểm soát cảm xúc. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung kích động và có xu hướng trở nên vô cảm với bạo lực.
Việc chìm đắm trong game làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và tư duy logic, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập. Game bạo lực có thể thúc đẩy trẻ học theo những hành vi hung hăng, xem nhẹ giá trị đạo đức và dễ dàng đi đến những quyết định cực đoan. Trẻ nghiện game thường cô lập bản thân, giảm giao tiếp với gia đình và bạn bè, từ đó mất đi sự kết nối thực tế với xã hội. Thức khuya, bỏ ăn, thiếu vận động là những hệ lụy phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất”.
Để hạn chế việc trẻ vùi đầu vào game, ThS. Nguyễn Viết Hiền cho rằng, gia đình, nhà trường và cộng đồng cần có những hành động cứu trẻ khỏi những “cạm bẫy ảo” trước khi chúng trở thành thảm kịch đời thực. “Gia đình nên trò chuyện với con về cuộc sống, không chỉ tập trung vào kết quả học tập. Cha mẹ cần thiết lập quy định rõ ràng về thời gian chơi game và quản lý nội dung game con chơi. Gia đình và nhà trường cần có các buổi sinh hoạt/trao đổi nhằm phân tích hậu quả của việc nghiện gam/chơi game bạo lực. Nên khuyến khích trẻ tham gia thể thao, nghệ thuật, hoặc các hoạt động tập thể để tăng cường sức khỏe và tương tác xã hội”.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống
Đang được quan tâm
Phụ huynh: Tôi sẽ nổi điên nếu con phải đọc văn có cảnh sex trần trụi


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020 – 2025


Cùng chuyên mục
Đánh sập mạng lưới phát tán hình ảnh lạm dụng trẻ em tại châu Âu


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


