Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo kết quả chuyển đổi số khám sức khỏe học sinh, giúp nhận diện sớm mô hình bệnh học đường. Kết quả bước đầu cho thấy, học sinh mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) chiếm tỷ lệ cao nhất là 46,22%, kế đến là thừa cân chiếm 20,59%, béo phì 17,11%, sâu răng 9,06%, vẹo cột sống 2,05%, còng cột sống 0,69%.
Theo các cấp học, tỷ lệ các bệnh học đường phân bổ có khác nhau. Ngoài tỷ lệ chung về khúc xạ mắt tăng, ở cấp mầm non và tiểu học, tỷ lệ trẻ bị sâu răng chiếm cao nhất, kế đến là thừa cân, béo phì, vẹo cột sống. Ở cấp THCS và THPT tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ chiếm cao nhất, kế đến là thừa cân.
Cảnh báo nguy cơ bùng nổ cận thị học đường
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tỷ lệ cận thị của trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng, khoảng 80-90% vào năm 2050. Số lượng trẻ đeo kính sớm ngày càng nhiều, thậm chí tại nhiều lớp học có đến 50% số học sinh bị cận thị, trong đó cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hằng ngày, điển hình như việc nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không sinh hoạt ngoài trời.
Để nhận biết con trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh chú ý các dấu hiệu trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng khiến việc điều tiết mắt của trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt.
Chuyển đổi số – Công cụ hỗ trợ quản lý bệnh học đường
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, chương trình kiểm tra sức khỏe vẫn được các trường tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo. Việc này sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh học đường, kịp thời chuyển trẻ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp tình trạng sức khỏe của học sinh.
Kết quả có được sẽ giúp việc chuyển đổi số công tác kiểm tra sức khỏe học sinh trên địa bàn thành phố được theo dõi liên thông ở các cấp học. Từ đây, dữ liệu sức khỏe của học sinh sẽ được tích hợp vào hồ sơ sức khỏe ngay khi ngành y tế triển khai hồ sơ sức khỏe, giúp mô hình bệnh học đường nhanh chóng được nhận diện, làm cơ sở quan trọng để ngành y tế triển khai các can thiệp y tế học đường.
Theo Báo Nhân Dân