

3 bước xử lý khi bị bạo lực học đường
- trienkhaiweb
- Tháng 4 1, 2025
- 0 Comments
Sáng 31/3, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường cho học sinh và phụ huynh.
Tại đây, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đã đưa ra những lời khuyên hữu ích, đặc biệt nhấn mạnh đến sự an toàn của học sinh khi đối mặt với bạo lực học đường.
Nhận diện không khó, khó ở sẻ chia
Mở đầu chương trình, Tiến sĩ Tô Nhi A đặt câu hỏi: “Làm thế nào các con nhận biết đâu là một vụ bạo lực học đường?”. Ngay lập tức, có nhiều cánh tay giơ lên. Tuy nhiên, khi được hỏi tiếp về việc có bao nhiêu em sẽ kể lại việc này với thầy cô, số lượng cánh tay đã giảm đến 4/5. Điều này cho thấy, việc nhận diện bạo lực học đường không khó, nhưng việc chia sẻ lại là một vấn đề lớn.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ tại buổi giao lưu
Trong buổi giao lưu, nhiều học sinh đã liệt kê những hành động được cho là bạo lực học đường như bị đánh, giật tóc, bị đè, ngắt tay, kéo áo, “body shaming”, ký đầu, bóp cổ… Từ thực tế này, TS Tô Nhi A nhấn mạnh: “Nhận diện bạo lực học đường không khó, quan trọng là phụ huynh phải kiên nhẫn, tạo tình huống để con nói ra vấn đề của mình”.
Cha mẹ cần lắng nghe con
Trước câu hỏi của phụ huynh về việc làm sao nắm bắt tâm lý của con nhưng không khiến con thấy khó chịu, TS Tô Nhi A đã hỏi các em học sinh: “Bao nhiêu bạn ở đây thích nói chuyện với ba mẹ nhưng ba mẹ lại nổi giận với mình?”. Rất nhiều cánh tay của học trò giơ lên. Từ đó, TS Tô Nhi A đưa ra lời khuyên: “Con không cần ba mẹ dành nhiều thời gian, ít thôi nhưng phải đều đặn. Ba mẹ không cần trở thành nhà sư phạm, chỉ cần điềm tĩnh lắng nghe câu chuyện của con, con có thể tự có câu trả lời cho mình”.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo tại buổi giao lưu
3 bước xử lý khi bị bạo lực học đường
TS Tô Nhi A cũng đã hướng dẫn học sinh cách xử lý khi bị bạo lực học đường, bao gồm 3 bước:
Đầu tiên, học sinh chưa cần nghĩ đến chuyện phản kháng như thế nào, gặp ai sau đó… mà phải nhớ mình cần được an toàn càng sớm, càng tốt. Các em có thể bỏ chạy hoặc nhờ người ở gần hỗ trợ, và cuối cùng là tự vệ nếu cần thiết.
Sau đó, các em cần chia sẻ với người mình tin cậy để biết lý do vì sao xảy ra câu chuyện này, từ đó tìm cách giải quyết.
Cuối cùng, nếu ba mẹ đã liên hệ xử lý nhưng câu chuyện bạo lực chưa chấm dứt, các con cần tiếp tục nói để phụ huynh và giáo viên cân nhắc những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Đề cập đến câu chuyện bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng không giống với bạo lực truyền thống, bạo lực trực tuyến xảy ra bất cứ đâu và rất khó để phát hiện. Từ đó, ông đặt vấn đề khi phụ huynh trao cho con quyền sử dụng điện thoại giống như “con dao hai lưỡi” nếu như con không biết sử dụng. Do đó, ba mẹ cần phải quan sát con sử dụng điện thoại, dặn dò con những tình huống cần báo cho người lớn để xử lý.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Đang được quan tâm
Phụ huynh: Tôi sẽ nổi điên nếu con phải đọc văn có cảnh sex trần trụi


Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng


Lễ công bố và ký kết hợp tác tổ chức các hoạt động truyền thông thể thao trường học giai đoạn 2020 – 2025


Cùng chuyên mục
Nhận diện dòng chảy xa bờ: Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đuối nước ngay từ bờ biển


Bị bắt nạt ở trường, làm sao để con tin tưởng chia sẻ với bố mẹ?


Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú


Dấu hiệu để phụ huynh nhận biết khi con bị bạo lực học đường


